Đã tìm thấy một hồ nước lỏng trên sao Hỏa
Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy những bằng chứng về một hồ nước ở trên sao Hỏa.
Thứ mà các nhà khoa học tin là một hồ nước này nằm dưới chỏm băng ở phía cực nam của hành tinh này và nó dài khoảng 20km.
Đã có các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra dấu hiệu của nước lỏng không liên tục chảy trên bề mặt sao Hỏa,ĐãtìmthấymộthồnướclỏngtrênsaoHỏvn vs nhưng đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy dấu hiệu nước chảy liên tục trên hành tinh này.
Phát hiện được thực hiện bằng cách sử dụng Marsis, một thiết bị radar trên tàu vũ trụ Mars Express của Cơ quan Vũ trụ châu Âu (Esa).
“Có thể đây không phải là một hồ nước lớn lắm” – giáo sư Roberto Orosei của Viện Vật lý thiên văn quốc gia Italia, trưởng nhóm nghiên cứu, cho hay.
Thiết bị Marsis không thể xác định được độ dày của lớp nước, nhưng nhóm nghiên cứu ước tính tối thiểu là 1 mét.
“Yếu tố này cho thấy đủ điều kiện để xác định đây là một khối lượng nước đủ lớn, là một cái hồ, chứ không phải là nước được tan ra từ băng và lẫn giữa đá và băng như vẫn tồn tại ở một số dòng sông băng trên Trái Đất” – giáo sư Orosei nói thêm.
Hồ nước này có ý nghĩa như thế nào với sự sống?
Hoàn toàn chưa có ý nghĩa gì.
Đó là câu trả lời của tiến sĩ Manish Patel tới từ ĐH Mở. Ông giải thích: “Từ lâu chúng ta đã biết rằng bề mặt sao Hỏa không thể chấp nhận sự sống, vì vậy việc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa là tìm kiếm dưới lòng đất”.
“Đây là nơi mà chúng ta sẽ được bảo vệ khỏi các bức xạ có hại, áp lực và nhiệt độ tăng lên mức thuận lợi hơn. Quan trọng nhất là điều này cho phép tồn tại nước lỏng – thứ cần thiết cho sự sống”.
Nguyên tắc “đi theo dòng nước” là chìa khóa của sinh vật học vũ trụ - lĩnh vực nghiên cứu về sự sống tiềm năng ngoài Trái Đất.
Vì thế, mặc dù phát hiện này cho thấy nước có tồn tại thì nó vẫn chưa khẳng định được bất cứ điều gì.
“Chúng ta chưa hề tiến gần hơn tới việc thực sự phát hiện được sự sống” – tiến sĩ Patel chia sẻ với BBC. “Nhưng điều mà phát hiện này làm được là cho chúng ta biết vị trí cho việc tìm kiếm trên sao Hỏa. Nó giống như một tấm bản đồ kho báu, ngoại trừ việc trong trường hợp này có rất nhiều điểm X được đánh dấu”.
Nhiệt độ và tính chất hóa học của dòng nước này cũng có thể gây ra vấn đề cho bất cứ sinh vật nào có khả năng sinh tồn.
Để duy trì dạng lỏng của nước trong điều kiện lạnh như vậy (nhóm nghiên cứu ước tính từ -10 đến -30 độ C), dòng nước này có thể phải có rất nhiều muối được hòa tan trong đó.
Tiến sĩ Claire Cousins, một nhà sinh học vũ trụ tới từ ĐH St Andrews, Anh, cho rằng việc dòng nước này cực kỳ lạnh, nhiều muối và là thách thức khá lớn đối với sự sống cũng là điều dễ hiểu.
Cần làm gì tiếp theo?
Sự tồn tại của hồ nước này rõ ràng sẽ là một thách thức với những người quan tâm tới khả năng tồn tại của sự sống trên sao Hỏa từ trước tới nay. Tuy nhiên, việc cần làm đầu tiên bây giờ là nghiên cứu thêm về đặc tính của hồ nước.
“Việc cần làm bây giờ là đo đạc liên tục ở những nơi khác để tìm kiếm những dấu hiệu tương tự” – tiến sĩ Matt Balme tới từ ĐH Mở cho hay.
Ông Balme cũng cho rằng, có thể các nhà khoa học sẽ phải khoan sâu vào “túi nước” bị chôn vùi này, giống như họ đã làm với những hồ nước dưới mặt băng ở Antartica.
Trước đây, các nhà khoa học đã tuyên bố tìm thấy sự sống của vi khuẩn ở sâu dưới hồ Vostok của Antartica, tuy nhiên việc khoan trên sao Hỏa sẽ là một dự án đầy tham vọng.
“Việc đến đó và tìm được bằng chứng cuối cùng về việc có một hồ nước thực sự trên đó sẽ không phải là một nhiệm vụ dễ dàng” – giáo sư Orosei nhận định.
“Sẽ cần phải đưa một robot bay lên đó và khoan xuyên qua khoảng 1,5km băng. Việc này chắc chắn sẽ đòi hỏi một số phát triển về mặt công nghệ mà hiện tại chưa có được” – ông Orosei cho hay.
Những phát hiện này đã được đăng tải trên tạp chí Science.
Nguyễn Thảo (Theo BBC)
Con người sẽ được đưa lên Sao Hỏa trong tương lai gần
Cơ quan ESA hi vọng đưa người đặt chân lên Sao Hỏa trong khoảng thời gian 2030 và 2035.