Kiên Giang: Phấn đấu đến 2030 cơ bản hoàn thiện mô hình chính quyền số
Phấn đấu đến năm 2030, tỉnh cơ bản hoàn thiện mô hình chính quyền số, hình thành xã hội số, kinh tế số; triển khai thành công đô thị thông minh tại TP. Rạch Giá, TP. Hà Tiên và TP. Phú Quốc làm cơ sở để nhân rộng mô hình đến 100% các huyện trên địa bàn tỉnh.
Đến năm 2025, tỉnh phấn đấu có tỷ lệ dân số trưởng thành sử dụng dịch vụ công trực tuyến đạt 50%; 50% dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử...
Để thực hiện đạt các mục tiêu đã đề ra, Ban Chỉ đạo chính quyền điện tử tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ tham mưu triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trong kế hoạch chuyển đổi số vào kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hằng năm của đơn vị, trong đó giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện kế hoạch.
Theo đồng chí Võ Minh Trung - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, tỉnh đã quyết liệt trong việc triển khai thực hiện chiến lược chuyển đổi số với phương châm lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ. Chuyển đổi số trên cả 3 trụ cột chính gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số; trong đó, quan tâm ưu tiên cho xây dựng, phát triển chính quyền số, lấy chính quyền số làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số và bước đầu đạt một số kết quả khả quan.
Năm 2023, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục phát triển và hoàn thiện hệ thống tích hợp, chia sẻ dữ liệu (LGSP) kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong nội bộ và kết nối với nền tảng tích hợp; chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP) theo khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, kiến trúc chính quyền điện tử của tỉnh, phục vụ việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến của người dân và doanh nghiệp được thuận tiện và hiệu quả.
Đồng thời, nâng cấp, hoàn thiện hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh, kết nối với cổng dịch vụ công quốc gia để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường gửi, nhận văn bản, báo cáo điện tử tích hợp chữ ký số giữa các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội và các doanh nghiệp; thực hiện số hóa hồ sơ, lưu trữ hồ sơ công việc điện tử của các cơ quan nhà nước theo quy định.
Tiếp tục duy trì và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 vào hoạt động của các cơ quan hành chính của tỉnh; tổ chức triển khai xây dựng, áp dụng phần mềm ISO điện tử tại các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện và một số UBND cấp xã.
Từ đầu năm 2023 đến nay, Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường công tác hướng dẫn cho người dân, doanh nghiệp thực hiện ký số trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh tại địa chỉ https://dichvucong.kiengiang.gov.vn/vi/statistic-kgg, người dân và doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục hành chính ký số trực tiếp trên hồ sơ, không phải thực hiện ký trên bản giấy.
Đồng chí Võ Minh Trung cho biết: “Sở chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông - công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh thường xuyên tổ chức các đợt cao điểm cấp chữ ký số miễn phí cho người dân trên địa bàn tỉnh và hướng dẫn tạo tài khoản thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh.
Đồng thời, tổ chức tập huấn cho 950 tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn tỉnh để hướng dẫn cho người dân và doanh nghiệp các chủ trương, chính sách, pháp luật về chuyển đổi số; chuyển giao, hướng dẫn cài đặt, sử dụng các ứng dụng chính quyền số của tỉnh”.
Theo số liệu thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, hiện nay số người dân trưởng thành có sử dụng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh là 13.484 người (đạt 1,03%), số lượng dân số ở độ tuổi trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử là 14.229 người (đạt 1,26%). Tỷ lệ này còn rất thấp so với mục tiêu đề ra của Chính phủ. |
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Kiên Giang