Theốntớihàngtrămtriệuđồngđiềutrịngộđộcthuốcláđiệntửtrộnmatúthời tiếto báo cáo kết quả sơ bộ nghiên cứu Thực trạng sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trong học sinh tại 11 tỉnh, thành phố năm 2023, tỷ lệ học sinh từ lớp 6 đến lớp 12 hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử là 7%. Còn theo Báo cáo Khảo sát hành vi sức khỏe học sinh toàn cầu tại Việt Nam của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Điều tra về sử dụng thuốc lá mới ở nhóm học sinh THCS và THPT ở 11 tỉnh/thành, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong học sinh ở nhóm tuổi 13-17 tăng từ 2,6% năm 2019 lên 8,1% năm 2023.
Cục Quản lý khám chữa bệnh Bộ Y tế hôm 3/5 cho biết báo cáo tổng hợp gần 700 cơ sở khám chữa bệnh, bao gồm các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, bệnh viện thuộc sở y tế và trung tâm y tế huyện, chỉ tính riêng năm 2023, có 1.224 ca nhập viện do sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Riêng người dưới 18 tuổi có 71 ca, 10% trong số đó là nữ giới.
Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, từng cho hay hầu như ngày nào đơn vị cũng có bệnh nhân ngộ độc thuốc lá điện tử được điều trị, trong đó rất nhiều trường hợp là học sinh, thanh thiếu niên phải cấp cứu do ngộ độc chất ma túy trộn thuốc lá điện tử.
"Các ca ngộ độc thuốc lá điện tử đều vào viện với biểu hiện co giật, kích thích, vật vã, ảo giác, loạn thần, hôn mê, tổn thương não và nhiều cơ quan khác, để lại di chứng nặng nề với sức khỏe", bác sĩ Nguyên cho biết.
Cũng theo vị chuyên gia, thuốc lá điện tử sử dụng nhiều hương liệu, hóa chất nên có thể bị lợi dụng để sử dụng ma túy thông qua việc phối trộn. Người sử dụng có thể tự ý tăng tỷ lệ nicotine quá mức hoặc thêm ma túy và các chất gây nghiện khác vào để sử dụng mà khó bị phát hiện. Không chỉ có nicotine mà còn có nhiều chất khác có hại cho sức khỏe người dùng.
Theo Tiến sĩ Nguyên, chi phí điều trị cho những ca ngộ độc thuốc lá điện tử trộn ma túy cấp tính nhẹ đến những ca nặng tiêu tốn trung bình từ trên 10 triệu đến hàng trăm triệu đồng.
Cách đây không lâu, Trung tâm Chống độc tiếp nhận 2 bệnh nhân trẻ (23 tuổi và 29 tuổi) đều ở Hà Nội, bị ngộ độc nặng sau khi sử dụng thuốc lá điện tử.
Cụ thể, nam bệnh nhân 23 tuổi có tiền sử hút thuốc lá điện tử 2 năm nay. Theo lời kể của người nhà, sau vài tiếng dùng thuốc lá điện tử được cho thêm hương liệu mới do người giao hàng giới thiệu, anh này lên cơn co giật, sùi bọt mép.
Bệnh nhân được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện tuyến trước nhưng không đỡ, sau đó được chuyển đến Trung tâm Chống độc. Xét nghiệm mẫu thuốc lá điện tử bệnh nhân mang đến phát hiện chất ma túy cần sa tổng hợp là ADB-Butinaca.
Trường hợp thứ 2 vào viện vì co cứng chân tay, rối loạn vận động. Bệnh nhân cũng sử dụng thuốc lá và thuốc lá điện tử nhiều năm nay. Thời gian gần đây, bệnh nhân có biểu hiện rối loạn vận động, run, vã mồ hôi, không điều khiển được động tác.
Theo bác sĩ Nguyên, phần lớn người dân quan niệm thuốc lá điện tử rất đơn giản, không có nicotine gây nghiện. Điều này hoàn toàn sai lầm. Trong khi đó, thuốc lá điện tử thực chất là các thiết bị điện để nung nóng các hỗn hợp nguyên liệu chứa nhiều hóa chất nhân tạo bên trong, bốc hơi lên để người dùng giải trí. Trong thuốc lá điện tử có 3 nhóm nguy cơ gây hại cho sức khỏe là nicotine, hương liệu nhân tạo và ma túy.
"Việt Nam cần khẩn cấp cấm việc sản xuất, lưu hành thuốc lá điện tử, có như vậy mới phòng tránh được một loạt vấn đề khổng lồ và nghiêm trọng về sức khỏe với người dân", bác sĩ Nguyên cho biết.