|
Ngã tư Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ sẽ đầu tư xây dựng nút giao thông. Ảnh: CAO THĂNG/ SGGP |
Bước đầu hình thành các trục giao thông chính
Theo Sở GTVT, hiện tại, hệ thống hạ tầng giao thông chính của khu Nam cơ bản là những tuyến đường đã được đầu tư hình thành khá lâu trước đây, như đường Nguyễn Văn Linh (vừa có chức năng là đường vành đai vừa là đường đô thị), đường Nguyễn Văn Cừ, quốc lộ 50, Phạm Hùng, Nguyễn Hữu Thọ, đường Bắc - Nam, đường Nguyễn Tri Phương nối dài, cầu Tân Thuận 2, đường Huỳnh Tấn Phát…
Cùng với việc đầu tư, thay thế các cầu yếu trên tuyến đường Lê Văn Lương đã hình thành các trục đường chính kết nối khu Nam với các khu đô thị hiện hữu nội thành, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố.
Theo đề xuất của Sở GTVT, thành phố cần tiếp tục quan tâm, tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, kết nối khu vực phía Nam với các khu vực khác, tạo nên mạng lưới hạ tầng giao thông đồng bộ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam và góp phần quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM.
Xây dựng kịch bản thứ tự cho khu Nam
Trong thời gian tới, Sở GTVT tiếp tục tham mưu đầu tư hạ tầng giao thông khu Nam thành phố đáp ứng nhu cầu đi lại thuận tiện của người dân ứng với kịch bản phát triển đô thị theo thứ tự ưu tiên, có trọng tâm, trọng điểm (trong khi nguồn lực đầu tư còn hạn chế).
Về đường bộ, đối với các dự án đã có chủ trương đầu tư, đã có kế hoạch đầu tư hoặc đang thực hiện đầu tư, sẽ đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Cụ thể: Dự án Nâng cấp mặt đường Huỳnh Tấn Phát (từ đường Trần Xuân Soạn đến phà Bình Khánh); Xây dựng mới 3 cầu (thay thế các cầu yếu Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm) trên đường Lê Văn Lương; Xây dựng nút giao Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ; Xây dựng, cải tạo, mở rộng nút giao thông Huỳnh Tấn Phát - Lưu Trọng Lư; Nâng cấp đường Nguyễn Hữu Thọ (từ cầu Kênh Tẻ đến đường Nguyễn Văn Linh).
Tiếp tục đẩy nhanh thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án: Xây dựng cầu đường Nguyễn Khoái (vượt Kênh Tẻ và rạch Bến Nghé) nối các quận 1, 4, 7; Nâng cấp quốc lộ 50 (đoạn từ Nguyễn Văn Linh đến ranh tỉnh Long An); Xây dựng mới cầu Rạch Dơi trên đường Lê Văn Lương; Nâng cấp đường Phạm Hữu Lầu (đoạn từ đường Huỳnh Tấn Phát đến cầu Phước Long); Xây dựng đường Nhơn Đức - Phước Lộc nối dài (đoạn từ cầu Kênh Cây Khô đến quốc lộ 50); Xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - Phạm Hùng; Xây dựng cầu vượt nút giao đường Nguyễn Văn Linh - quốc lộ 50.
Kế tiếp, tăng cường kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh thủ tục đầu tư đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP). Đó là: Xây dựng cầu đường Bình Tiên; Xây dựng tuyến đường trục Bắc - Nam (từ đường Hoàng Diệu đến cầu Bà Chiêm) giai đoạn 3; Xây dựng tuyến đường Lê Văn Lương; Xây dựng đường Vành đai 2, đoạn 4 (từ quốc lộ 1 đến đường Nguyễn Văn Linh); Mở rộng đường Nguyễn Văn Linh (từ Nguyễn Thị Thập đến Huỳnh Tấn Phát); Xây dựng cầu Phú Xuân 2B và đường 15B (trên trục đường Nguyễn Lương Bằng kéo dài); Đầu tư xây dựng các cầu lớn như cầu Cần Giờ thay phà Bình Khánh, cầu Thủ Thiêm 4 (nối quận 2 với quận 7).
Đối với đường sắt, Sở GTVT sẽ phối hợp cùng Ban Quản lý đường sắt đô thị kêu gọi đầu tư xây dựng tuyến xe điện mặt đất số 2 (quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh - Trần Não - Xuân Thủy - Khu đô thị Bình Quới); Tuyến đường sắt đô thị số 4a (Thạnh Xuân - Khu đô thị Hiệp Phước); Tuyến đường sắt đô thị số 5 giai đoạn 2 (Bến xe Cần Giuộc mới - ngã tư Bảy Hiền).
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, trong 2 năm tới, Nam Sài Gòn - đặc biệt là Quận 7 sẽ trỗi dậy và là “thỏi nam châm” thu hút các khách hàng và giới đầu tư, kinh doanh địa ốc.
" alt=""/>