MK Group hiện đang chiếm khoảng 70% thị phần thẻ ngân hàng tại Việt Nam và 3 năm gần đây doanh thu xuất thẻ góp tới 60 - 70% tổng doanh thu của MK Group.
Theo chia sẻ của ông Quốc, có “trái tim” là hệ điều hành chip do chính đội ngũ kỹ sư MK Group phát triển là MKCOS/MKjCOS có kích thước nhỏ hơn hệ điều hành Windows 10 khoảng 300.000 lần, hệ sinh thái thẻ công dân số Việt Nam trong thẻ chip CCCD (e-NID) nếu được ứng dụng vào thực tế sẽ trở thành công cụ hữu hiệu giúp đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần vào công cuộc phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số tại Việt Nam.
Trao đổi với ICTnews, ông Quốc cho biết, một trong những thành phần quan trọng của hệ sinh thái thẻ công dân số Việt chính là hệ sinh thái các giải pháp định danh - xác thực - bảo mật trên chip của MK, cho phép người dùng có thể tùy chọn nhiều ứng dụng bảo mật như: PKI (Hạ tầng khóa công khai), OTP (Mật khẩu dùng một lần), MoC (Nhận dạng sinh trắc học), FIDO U2F (Xác thực 2 nhân tố 2 bước) SoD (tích hợp thuật toán bảo mật riêng theo yêu cầu), BAC (ứng dụng bảo mật cho hộ chiếu điện tử theo chuẩn quốc tế ICAO Doc 9303), BAP (ứng dụng bảo mật cho bằng lái xe số theo chuẩn ISO/IEC 18013).
“Hiện nay, thẻ căn cước công dân của Việt Nam vẫn là thẻ sử dụng công nghệ nhận dạng mã vạch (barcode). MK Group đã đề xuất lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền về việc triển khai ứng dụng thực tế hệ sinh thái thẻ công dân số Việt Nam - tích hợp công nghệ chip vào thẻ căn cước công dân để với chỉ một chiếc thẻ, người dùng có thể sử dụng vào nhiều việc. Ngoài tác dụng chính là xác thực, định danh công dân, thẻ căn cước điện tử sử dụng công nghệ chip còn có thể đóng vai trò như bằng lái xe, thẻ lưu trú, thẻ bảo hiểm y tế, thẻ giao thông công cộng, ví điện tử...Về giải pháp kỹ thuật, chúng tôi đã sẵn sàng, giờ chỉ còn chờ được các cơ quan chức năng cho phép ứng dụng vào thực tế”, ông Quốc cho hay.
Điều không nhiều người biết là ý tưởng phát triển thẻ thông minh đa ứng dụng dành riêng cho người Việt đã được Chủ tịch HĐQT MK Group Nguyễn Trọng Khang ấp ủ từ 20 năm trước, khi thành lập Công ty MK (MK Technology) chuyên phân phối, nghiên cứu giải pháp triển khai ứng dụng về thẻ - tiền thân của MK Group ngày nay.
“Thời điểm tham gia khóa học MBA tại Đại học Boise State bang Idaho hồi năm 1999, tôi đã bị thu hút bởi chiếc thẻ sinh viên thông minh được nhà trường cấp, trong đó không chỉ lưu trữ và quản lý toàn bộ thông tin của tôi mà còn cung cấp nhiều tiện ích. Chiếc thẻ này đã hình thành trong tôi ước mơ một ngày nào đó không xa, công nghệ thẻ thông minh sẽ là một công cụ đắc lực phục vụ cuộc sống người dân Việt Nam”, ông Khang chia sẻ.
“Không tạo được khác biệt sẽ khó lòng bứt phá!”
Trên thực tế, hành trình để hiện thực hóa khát vọng sáng tạo ra những sản phẩm, giải pháp thẻ công nghệ cao mang lại nhiều lợi ích cho người Việt Nam của doanh nhân Nguyễn Trọng Khang và các cộng sự đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn, trở ngại. Khó khăn càng nhiều hơn khi MK chọn hướng phát triển, khai phá một lĩnh vực hoàn toàn mới ở Việt Nam thời điểm đó – nghiên cứu phát triển ứng dụng thẻ công nghệ cao.
Ngay khi mới thành lập năm 1999, Công ty MK đã vấp phải khó khăn trong tiếp cận thị trường do việc ứng dụng thẻ công nghệ cao còn chưa phổ biến, người dùng trong nước chưa thấy được những mặt tích cực nên không “mặn mà” với công nghệ thẻ. Trong chặng đường tiếp đó, chịu ảnh hưởng tác động từ khó khăn của nền kinh tế, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thẻ công nghệ cao như MK liên tục phải đối mặt với thách thức đến từ các ngành viễn thông, ngân hàng, tài chính…
Đơn cử như, hồi năm 2013, nhu cầu thị trường viễn thông bão hòa, lượng SIM mua mới từ các nhà mạng tại Việt Nam giảm mạnh, nhất là từ sau khi Thông tư 14/2012/TT-BTTTT quy định doanh nghiệp di động không được nạp tiền sẵn vào tài khoản với SIM thuê bao chưa hòa mạng có hiệu lực từ 1/1/2013.
">