Nicole Vris đến từ Australia, đặt chuyến đi nghỉ hè cho đại gia đình 35 thành viên của cô đến Hy Lạp. Để có được chuyến đi, cô phải mất nhiều thời gian lên kế hoạch, xin nghỉ làm, tiết kiệm tiền mua vé, xoay xở tiền chi tiêu...
Cô Nicole đã trả cho công ty du lịch hơn 106.000 USD để đặt vé máy bay khứ hồi và phòng khách sạn cho cả gia đình.
Tuy nhiên, khi đến gần ngày đi, cô và các thành viên trong gia đình kiểm tra vé máy bay thì phát hiện họ chưa được đặt chỗ.
"Tôi đã gọi điện trực tiếp cho hãng hàng không Emirates. Họ yêu cầu chúng tôi cung cấp mã đặt chỗ nhưng tất cả đều không tồn tại. Tên của chúng tôi không có trong hệ thống", cô cho biết.
Khi cô hỏi giám đốc công ty du lịch để yêu cầu hoàn lại tiền thì chỉ nhận được những câu trả lời chung chung và sau đó không được phản hồi gì nữa.
Kỳ nghỉ mơ ước của gia đình Nicole tan vỡ vì họ không đủ khả năng chi trả thêm. "Đó là một số tiền rất lớn với tôi. Nếu chúng tôi không phát hiện ra, thì tất cả sẽ có mặt vào ngày đặc biệt và rồi sẽ được thông báo chúng tôi không có vé", cô chia sẻ.
Nicole là một trong 28 người gửi đơn tố cáo công ty du lịch Travel World Sydney lừa đảo kể từ tháng 1/2023.
Cô Fatima Awada cũng đang lên kế hoạch cho một chuyến du lịch cùng gia đình đến Đức. Cô cho biết mẹ cô đã lâu không gặp chị gái của mình nên cô đã chuẩn bị đưa bà đến châu Âu để họ đoàn tụ.
Nhưng điều đó không thể xảy ra nữa vì cô bị lừa hết tiền khi tin vào công ty du lịch Travel World Sydney. Khi gọi điện thoại cho hãng hàng không, cô được biết vé của cô đã bị hủy từ lâu.
Văn phòng của công ty hiện đóng cửa, đường dây điện thoại bị ngắt kết nối, nhưng trang web Travel World Sydney vẫn còn trực tuyến.
Trang web viết: "Không chỉ lên kế hoạch cho các chuyến đi, chúng tôi còn tạo ra những chuyến phiêu lưu dành riêng cho bạn. Chúng tôi sẽ hướng dẫn đầy đủ quy trình cấp thị thực, dịch các thực đơn khó hiểu, cũng như cung cấp cho bạn tất cả các mẹo để tránh bẫy du lịch và cơ hội trải nghiệm văn hóa đích thực".
Hiện cơ quan chức năng đã mở cuộc điều tra về công ty du lịch này.
Cuốn sách Một cuộc đời dang dở: John F. Kennedy, 1917-1963mô tả bức chân dung chính xác về Tổng thống John Fitzgerald Kennedy.
Tác giả Robert Dallek, một trong những nhà sử học đáng kính nhất ở Mỹ, mô tả Kennedy là “một con người với đầy đủ những đức tính và những thiếu sót khiến ông dường như vừa phi thường lại vừa bình thường - một con người có trí tuệ khác thường, có mục đích, kỷ luật và óc phán đoán tốt, đồng thời vẫn có nhiều vấn đề về sức khỏe thể chất và cảm xúc”.
Robert Dallek không để khía cạnh này lấn át khía cạnh khác mà cố tìm cách cân bằng chúng. Chẳng hạn, nhờ tìm hiểu về bệnh sử của Kennedy nhiều hơn bất kỳ tác giả viết tiểu sử nào trước đây, ông đã có cơ hội được thấy mức độ vị tổng thống che giấu bệnh tật của mình trước công chúng cũng như tính cách mạnh mẽ của mình.
Bên cạnh đó, tác giả cố gắng tìm hiểu khả năng “hấp dẫn phụ nữ” không thể phủ nhận của Kennedy, trong đó bao gồm cả các ví dụ ít được biết đến về những lần chinh phục phụ nữ của ông. Quan trọng hơn, cuốn sách là câu trả lời cho những hoài nghi về việc liệu có phải chính những vấn đề về sức khỏe và hành vi đã ảnh hưởng xấu tới năng lực làm việc của Kennedy trên cương vị tổng thống hay không.
Tác phẩm trở nên thú vị hơn bởi tác giả đã tìm kiếm sự ảnh hưởng tích cực và tiêu cực từ gia đình tới tính cách của Kennedy. Robert Dallek đã cho chúng ta biết về hai gia tộc nổi tiếng ở Boston nói riêng và nước Mỹ nói chung: dòng họ Kennedy (họ cha) và dòng họ Fitzgerald (họ mẹ).
Với tầm nhìn và khát vọng, Joe Kennedy đã quyết tâm bằng mọi giá đưa một người con của mình trở thành Tổng thống Mỹ, khiến những người con nhà Kennedy luôn cố gắng vươn lên, không bao giờ chấp nhận vị trí thứ hai, thứ ba. Tham vọng và lòng tự tin vô bờ là nét chính trong quan niệm sống của hai dòng họ Fitzgerald và Kennedy.
Triết lý điển hình của gia tộc JFK thể hiện trong câu nói của Joe Kennedy với em gái: “Nếu em không được làm đội trưởng đừng tham gia cuộc chơi”. Bên cạnh đó, tác giả cũng ghi chép về giai đoạn JFK phục vụ trong Hải quân, về công việc ở Hạ viện và Thượng viện… Quan trọng nhất là các chính sách trong giai đoạn làm tổng thống, về kinh tế, quyền công dân, trợ cấp liên bang cho giáo dục, bảo hiểm y tế cho người già, đói nghèo. Và đặc biệt là các vụ việc với Liên Xô, vũ khí hạt nhân, vũ trụ, vấn đề Cuba và cuộc chiến tranh ở Việt Nam…
John F. Kennedy (29/5/1917 - 22/11/1963) là vị tổng thống trẻ tuổi nhất trong lịch sử hơn 200 năm của Hoa Kỳ, vị tổng thống chỉ tại vị 1.000 ngày (ngắn thứ sáu trong lịch sử Hoa Kỳ). Một vị tổng thống chiến thắng trong kỳ bầu cử với cách biệt sát sao nhất.
Qua nhiều lần thăm dò ý kiến của Viện Gallup, ông luôn được xếp là một trong năm vị tổng thống vĩ đại nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, rất nhiều lần ông được xếp hàng đầu, thậm chí có lúc xếp cao hơn cả Lincoln, Roosevelt, Washington.
Khi qua đời, JFK mới 46 tuổi và còn 13 tháng nữa mới kết thúc nhiệm kỳ tổng thống của mình. Một cuộc đời dang dở - một nhiệm kỳ tổng thống chưa trọn vẹn. Nhưng trong vòng 2 năm 11 tháng đứng đầu Nhà Trắng, Kennedy đã kịp làm được rất nhiều việc và vẫn ấp ủ nhiều ý tưởng lớn cho nhiệm kỳ thứ hai.
John Kennedy không chỉ được người dân Mỹ nhớ đến bởi tài năng và những việc lớn mà ông đã làm cho nước Mỹ, không chỉ bởi vẻ bề ngoài dễ mến, điển trai, hào hoa, hấp dẫn đại diện cho một thế hệ chính khách mới trẻ trung, tài năng và nhân văn.
Người dân Mỹ và nhiều nhà nghiên cứu nước ngoài nhớ đến ông vì khả năng đặc biệt trong tầm nhìn xa, cách đánh giá và xử lý tình hình và đặc biệt là khả năng lôi cuốn trong những bài diễn văn hùng biện, khả năng sử dụng ngôn ngữ đầy thuyết phục, với các triết lý sâu sắc ẩn sâu trong những câu nói ấn tượng.
Những trang sách tư liệu về JFK, một trong những tổng thống vĩ đại nhất nước Mỹ, người được cho là không muốn đưa quân vào miền Nam Việt Nam, chắc chắn sẽ làm thỏa mãn sự mong đợi của nhiều độc giả và các nhà nghiên cứu về quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hoa Kỳ.
Gấp rút chạy lũ vào lúc 2h sáng, vợ chồng chị cùng đứa con 12 tuổi chỉ kịp mặc áo mưa chứ không thể đem theo bất cứ tài sản gì.
Chồng chị một tay cầm đèn pin, một tay dắt con và nhắn nhủ với vợ: “Bám vào áo anh, còn người là còn của. Em với con còn sống thì anh mới làm lại được”.
Câu nói khiến chị Thoa vững tâm hơn trong lúc gian nguy. Nhiều người biết đến câu chuyện này, lập tức nhận xét ‘chị đã chọn đúng chồng’.
Bên cạnh căn nhà cấp 4 của vợ chồng chị là khu trang trại chăn nuôi. Vợ chồng chị nuôi hàng trăm con bồ câu, gà, chim trĩ cùng vài chục con lợn.
Khoảnh khắc rời nhà đi tránh lũ, chị bật khóc vì lo lắng, bất an. Chị xác định, một khi rời đi là trang trại chăn nuôi mất trắng. Dẫu vậy, vợ chồng chị vẫn phải đưa con chạy lên nhà nội cách đó 700m để tránh lũ.
Ngày trở về, nhìn cảnh nhà cửa tan hoang, trang trại chăn nuôi đổ cột, tốc mái, gia súc, gia cầm chết la liệt, chị khóc nức nở.
Vợ chồng chị thiệt hại 25 con lợn, 400 con chim bồ câu, 200 con chim trĩ, 60 con gà,... Đồ dùng trong nhà hỏng la liệt. Quần áo, chăn màn dính đầy bùn đất. 2,5ha cây keo 2 năm tuổi gãy đổ toàn bộ.
Ngoài ra, nhà chị còn thiệt hại mấy tạ ngô, lúa, cám – là thức ăn cho gia súc, gia cầm. Chiếc máy cắt cũng hỏng vì bị ngâm nước.
“Tài sản của vợ chồng tôi có bằng đó, sau một trận lũ, gần như chẳng còn gì. Khung cảnh tan hoang đến vậy, làm sao mà không xót xa.
Những đêm sau đó, tôi không thể nào ngủ được, vừa tiếc của, vừa lo cho cuộc sống sau này”, chị Thoa ngậm ngùi chia sẻ.
Cố gắng vực dậy sau lũ
Nghe chồng động viên: “Mất rồi thì ta làm lại, quan trọng là tinh thần phải phấn chấn”, chị Thoa vững tâm vực dậy cuộc sống.
Trở về nhà, nhìn thấy cảnh nhà tan hoang, chị vội vã đi tìm trưởng thôn xin được giúp đỡ. “Hôm đó nghĩ cũng khổ, mất điện, mất mạng, tôi không biết tìm ai giúp đành chạy sang gọi anh trưởng thôn.
Sang nhà, thấy anh ấy quần áo lấm lem bùn đất, bưng bát cơm to rau, thịt lẫn lộn, cố ăn nhanh cho xong bữa để còn tiếp tục hỗ trợ dân. Ngoài nhà tôi, người dân xung quanh cũng rất cần được giúp đỡ”, chị Thoa kể.
Nhờ có anh em, làng xóm thân thiết xúm vào giúp dọn dẹp nhà cửa, trang trại, vợ chồng chị mới dần trở lại cuộc sống bình thường.
“Mọi người giúp chở lợn, gà, chim,... chết lên điểm tập kết rác, rắc vôi phòng trừ dịch bệnh lây lan. Xong xuôi đâu vào đấy, tôi đếm được nhà mình còn lại 11 con lợn, 19 con gà, đôi trăm con bồ câu,...”, chị Thoa kể.
Tuy nhiên, gia súc, gia cầm còn sống cũng không khỏe mạnh. Những ngày qua, chị vẫn phải thu dọn lợn, gà, chim,... chết trong chuồng.
“Tôi không biết cuối cùng cứu được bao nhiêu con, thôi thì cứu được con nào hay con đó để gây giống”, chị Thoa nói.
Đồ dùng trong nhà chị mới kịp đem sửa quạt và tủ lạnh – là những món đồ thiết yếu nhất. Thương cho hoàn cảnh của chị, người dân xung quanh giúp chị sửa đồ miễn phí.
Chăn màn, quần áo chị đem giặt, cái nào nát quá thì bỏ, cái nào hoen ố màu bùn đất thì dùng để mặc đi làm. Vợ chồng chị cố gắng tận dụng mọi thứ để không tốn tiền mua mới.
Dọn dẹp nhà cửa xong xuôi, vợ chồng chị lên đồi xử lý 2,5ha keo. Mấy ngày qua, chị “bám đồi” chặt những cây keo gãy đổ, chuẩn bị mua giống trồng keo mới.
“Nhìn hai đồi keo đổ rạp, tôi xót xa vô cùng. Nhưng làm sao được, còn người là còn của, vợ chồng tôi cố gắng gây dựng lại từ đầu”, chị Thoa nói.
Vợ chồng chị Thoa trồng trọt, chăn nuôi, vừa làm thuê làm mướn để nuôi hai người con ăn học. Cô con gái cả vừa nhập học trường Đại học Y Dược Thái Bình cũng cần một khoản tiền lớn để đóng học phí.
May mắn, phía nhà trường có chương trình hỗ trợ gia đình các học viên bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 nên chị yên tâm phần nào.
“Vừa rồi chính quyền xã hỗ trợ nhà tôi 10kg gạo, 1 thùng mỳ tôm, 1 gói bánh, 1 thùng sữa và bình nước lọc. Đó cũng là nguồn động viên tinh thần rất lớn cho gia đình trong lúc này”, chị Thoa chia sẻ.
Ảnh: NVCC