Thực đơn thơ của Nguyễn Tiến Thanh có gì?ựcđơnthơNguyễnTiếbitcoin Thi sĩ đã chọn rồi, trong một bài thơ ở tập Viễn ca(NXB Văn học) vừa xuất bản: “Người xin món chính - nỗi buồn/ Rắc thêm vài hạt cô đơn cuối cùng”. Ngẫm ra, “món chính” trong thực đơn thơ ấy, Nguyễn Tiến Thanh đã chọn giùm cho nhiều kẻ làm thơ như anh - những kẻ “giời đày” không thể viết mà không “phơi” tâm tư trên giấy.
Viễn ca là bài hát của những chân trời xa lắc, những chân trời mà tâm hồn thi sĩ muốn đi tới để “phục sinh ánh sáng trên ngơ ngác buồn”. Viễn ca là tiếng gọi cất lên từ một tâm hồn lãng du, lãng tử, muốn phiêu bồng trong trời đất nhân gian để nhìn ngắm “những mặt người lặng im”.
Ta đi rời rã cánh đồng
Lúa chưa thiếu phụ đã đòng đòng thơm
Xin dừng chân trước chiều hôm
Thắp hoàng hôn trước một cơn say dài
(Viễn ca)
Thực đơn của một cuộc viễn du là những ảo mộng đan xen và chẳng dễ gọi tên. Người đã “thắp hoàng hôn trước một cơn say dài” là người mang nhiều tâm trạng thế nhân, biết trước sự vô vọng của những cuộc đi, nhưng không thể không đi bởi vẻ đẹp mời gọi của nó. Vẻ đẹp của những mất mát một đi không trở lại. Nguyễn Tiến Thanh làm thơ như bước vào vương quốc của những điều phi logic, hoặc là chẳng buồn đoái hoài đến logic.
Ngày buồn bởi nắng chưa vàng
Đã rưng rưng phố còn bàng hoàng cây
Chiều buồn bởi bụi mù bay
Vẫn mờ nhân ảnh lại cay mắt người
(Hỏi buồn)
Chất men say trong ngôn từ và chất thi sĩ nhạy cảm chảy tràn trên thơ Nguyễn Tiến Thanh dù nó buồn thật buồn, nhưng là nỗi buồn gây đắm đuối người đọc. Tôi cũng hay xưng tụng nỗi buồn, bởi vì tôi thấy rằng một trái tim yêu đời thường rất buồn. Thậm chí càng yêu đời thiết tha người ta càng buồn. Nhưng là cái buồn đã vượt lên trên thở than, vượt lên trên lý lẽ, như một phẩm chất và hương vị tất yếu trong kiếp làm người. Và cũng bởi lý do nữa, người tri kỷ thấy nhau trong đời, lạ thay - thường không phải trong vui, mà phần lớn trong buồn.
Buồn là sắc sắc không không
Buồn là mê tỉnh, hưng vong, thịnh tàn
(Hỏi buồn)
Thơ của Nguyễn Tiến Thanh cứ bàng bạc mộng tưởng, nhiều câu “sa đà” đến mức muốn “dúi” người đọc xuống đáy bữa tiệc mà thực đơn như anh đã chọn lúc đầu:
Đời là một cánh chuồn chuồn
Mỏng như kiếp phận bút mòn giấy trơ
Bể dâu rồi cũng ơ hờ
Ngàn sau rồi cũng phút giờ này thôi
Đời là một thoáng - đời trôi
Trôi rồi sẽ thấy rụng rơi tháng ngày
(Tự khúc)
Một kiểu viết chẳng cần vuốt ve, cứu chuộc. Một kiểu thả trôi mặc kệ không định cố tình hữu ý. May thay, dưới những câu thơ “mặc kệ” đó là một tấm chân tình của người cầm bút, nhắc ta về hữu hạn của đời người, sự vô thường của vạn vật. Nó giúp ta nhận diện chính mình và trở nên nhẹ nhõm hơn khi có thể buông tay nhiều hơn trong cuộc sống hạn hẹp.
Ở một chiều kích khác, cảm hứng viễn du trong thơ Nguyễn Tiến Thanh cho độc giả thấm nhiều thế sự. Chàng thi sĩ của khoa văn năm nào với những thi phẩm nổi tiếng Viết cho đôi mắt đen, Điều đó dĩ nhiên rồi... làm thổn thức trái tim bao người đẹp, giờ vẫn đủ lãng tử để phiêu bồng, song thơ chở nặng thế thái nhân tình hơn. Đời sống với tất cả những nhộn nhạo, bất toàn, khô khốc, lẫn lộn được hiển bày từ quan sát của nhà thơ:
Đại bác gầm trên những thảo nguyên
Buồn bã là sắc màu vương trên gấu váy phụ nữ
Rách
Như đứt gãy tầng trầm tích
Xé toạc chuỗi cung ứng niềm tin
Không thể toàn cầu hóa những giấc mơ
GDP tình yêu tăng trưởng liên tục ba năm
Những đôi lứa bước vào thế giới hôm nay
Bằng hôn lễ hòa đàm
Chấm dứt mê say
Một lễ hội thả thính vĩ đại trên ao-hồ-khe-suối-
đầm lầy và tất cả các đại dương
Sáng tạo mắc câu trong không gian nặng mùi hổ thẹn
Nửa đời - tóc hóa rong rêu
Môi cười - mà mắt vẫn hiu quạnh buồn
(Viết sáng mồng 1)
Thi ca là nhật ký của tâm hồn, là nhật ký của cảm xúc. Bức tranh đời sống đập vào tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ và bật ra thành những mảnh vỡ của nỗi buồn. Có thể nào mỗi người không tự thấy bản thân là một mảnh vỡ đó, trong mỗi ngày sống chất chứa thông tin nhưng sự kết nối vào nhau như sợi dây cứ mủn ra mỗi lúc. Chúng ta có thể nào không tự vấn mình.
Ở Viễn cacó nhiều bài thơ giàu chất suy tưởng - là chiêm nghiệm của một người đã đi trên đường xa, đã trải nhiều phong sương gió bụi:
Ta bỗng hiểu cách lụi tàn của cỏ
Nên chẳng hề mơ mộng cánh sen khô
(Dạ ca)
Đường thẳng và lối rẽ
Xa lộ và bụi bặm
Đều không phải thứ ta cần
Cuối cùng
Ta chỉ cần
Một chỗ nghỉ chân
(Đường thẳng)
Những trang sách đốt đền mua danh sàm ngôn
trong ngôi nhà tính thiện
Đường bay của những viên đạn ngôn ngữ cay độc
và bạo phát
Bắn vào lòng tốt
Làm chảy máu lương tri
(Chợt đọc)
Những câu thơ như vậy có thể mang cho người đọc một thức ngộ nào đấy về kiếp nhân sinh, bởi nó được chắt ra từ chính men đời đắng cay, hạnh phúc mà người cầm bút đã đi qua.
Dù tỏ ra không né tránh bất cứ đề tài nào trong thơ và dường như cũng là tạng người không cố ý làm thơ, Nguyễn Tiến Thanh cuối cùng vẫn nghiêng về chất tự sự trữ tình, lãng du như tự nhiên anh vốn thế.
Thơ Nguyễn Tiến Thanh hay và gợi vẫn là khi viết về tình yêu, về những khung trời mộng tưởng đã mất trong đời thực, chỉ còn trong niềm nhớ.
Áo em giờ vẫn mỏng
Phong phanh với sương mù
Ta cuối đường đứng ngóng
Một tình cờ thiên thu
(Một tình cờ thiên thu)
Anh đuối sức chạy dọc đường số phận
Nhặt niềm vui rơi như lá me vàng
Phía trước mặt là dòng sông nước cạn
Cuối mưa nguồn còn chớp bể không em
(Vụt hiện)
Những bài thơ hay nhất xem chừng tác giả lại ít dụng công nhất. Chất lãng mạn, bảng lảng vẫn là chủ đạo. Hiện tại và quá khứ quyện vào nhau tạo ra một không gian ảo mờ, đẹp buồn rất đặc trưng.
Thưa em, có một lãng quên
Về trên ngày tháng gọi tên muộn màng
Đã mênh mang gió đại ngàn
Biển xanh viễn thẳm còn bàng hoàng ta
(Báo cáo)
Chắc chắn rằng trên hành trình viễn thẳm của thi ca, những khúc hát viễn du còn mãi xanh trong trái tim chàng thi sĩ xuất thân Văn khoa Nguyễn Tiến Thanh. “Menu” thơ của chàng sẽ còn nối dài và phong phú, để mỗi khách thơ đều tìm thấy món ăn ưa thích cho tâm hồn.
(Ảnh: NVCC)
Tác giả 85 tuổi ra 3 cuốn sách, lan tỏa năng lượng sáng tạo tích cựcỞ tuổi 85, nhà văn, nhà giáo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung ra mắt cùng lúc 3 cuốn sách nhằm lan tỏa tình yêu thương, lối sống tích cực và hạnh phúc.