Cuối tháng 8, nhà hoạt động chống buôn người có biệt danh Thượng quan Chính nghĩa và chương trình Báo cáo đô thị của Đài truyền hình Hà Nam phát hiện cơ sở cung cấp dịch vụ đẻ thuê trái phép, ẩn mình dưới một khu chợ phụ tùng ô tô ở thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, phía đông Trung Quốc.
Cánh cửa dẫn tới cơ sở ngầm cung cấp dịch vụ đẻ thuê, bên dưới một khu chợ phụ tùng ô tô ở Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. (Ảnh: Thượng quan Chính nghĩa)
Với khoản đầu tư 4,5 triệu nhân dân tệ (15,7 tỷ đồng), cơ sở rộng hơn 800 m2 được trang bị đầy đủ trang thiết bị để lấy trứng, chuyển phôi và nuôi cấy phôi, như những cơ sở y tế hợp pháp.
Cơ sở ngầm này thành lập bởi Công ty TNHH Tư vấn Thụ tinh ống nghiệm Chunyun Thanh Đảo và Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Meike Thanh Đảo. Hoạt động dưới vỏ bọc các công ty công nghệ sinh học, những đơn vị này bí mật phát triển một mạng lưới kinh doanh dịch vụ đẻ thuê hộ rộng lớn.
Bên cạnh việc lấy trứng, chuyển phôi và nuôi cấy phôi, họ cung cấp dịch vụ sinh nở cho các cơ sở đẻ thuê khác, sắp xếp cho các bà mẹ mang thai hộ sinh con tại bệnh viện dưới danh tính giả. Giấy khai sinh sau đó được bán với giá từ 50.000 nhân dân tệ (175 triệu đồng). Cơ sở liên kết với nhiều bệnh viện công ở tỉnh Liêu Ninh và Giang Tô.
Theo báo cáo, những phụ nữ trẻ hiến trứng hoặc nhận phôi mang thai hộ được gọi bằng mã số thay vì tên thật, phân loại thành "sản phẩm" cao cấp hoặc giá trị thấp dựa trên ngoại hình và sức khỏe. Gói dịch vụ đẻ thuê có giá từ 750.000 nhân dân tệ (2,6 tỷ đồng), trong đó chi phí chọn giới tính là 200.000 nhân dân tệ (700 triệu đồng).
Đáng chú ý, việc lấy trứng hay chuyển phôi được thực hiện bởi các bác sĩ phó khoa tại các bệnh viện công hàng đầu thành phố, bao gồm một bác sĩ phó khoa họ Li tại Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Thanh Đảo, một bác sĩ phó khoa họ Qian tại khoa sản Bệnh viện Phụ sản Liên Trì Thanh Đảo, cùng với bác sĩ gây mê và y tá hỗ trợ.
Báo cáo tiết lộ câu chuyện đau lòng về những phụ nữ trẻ phải phẫu thuật mà không sử dụng thuốc gây mê để tiết kiệm chi phí, tiếng kêu đau đớn của họ vang vọng khắp hành lang.
Sau khi báo cáo được công khai, Ủy ban Y tế thành phố Thanh Đảo thành lập nhóm điều tra chung với cơ quan an ninh công cộng, giám sát thị trường và các sở ban ngành khác để xác minh thông tin.
Cuối tháng 10, nhóm điều tra thông báo về việc bắt giữ giám đốc của Meike, họ Cong. Năm nhân viên y tế khác, bao gồm bác sĩ và y tá bị tình nghi tham gia vào đường dây đẻ thuê phải đối mặt với nhiều hình phạt khác nhau: tịch thu thu nhập bất hợp pháp, thu hồi giấy phép hành nghề và giảm phúc lợi hưu trí.
Tuy nhiên, nhiều cư dân mạng chỉ trích hình phạt quá nhẹ: “Điều này gần như đang khuyến khích mang thai hộ; mức phạt cho phát tán nội dung khiêu dâm còn nặng hơn thế”.
Công ty TNHH Công nghệ Sinh học Meike Thanh Đảo kinh doanh trái phép dịch vụ đẻ thuê dưới vỏ bọc công ty công nghệ sinh học. (Ảnh: Thượng quan Công lý)
Quy định chưa rõ ràng
Những chỉ trích của dư luận không phải là không có cơ sở. Trên thực tế, kể từ khi cơ quan mang thai hộ đầu tiên được thành lập vào những năm 1990, Trung Quốc vẫn chưa có bất kỳ luật nào cấm rõ ràng việc sử dụng dịch vụ này.
Hiện nay, quy định chính quản lý việc đẻ thuê là Biện pháp hành chính về Công nghệ hỗ trợ sinh sản do Bộ Y tế Trung Quốc ban hành năm 2001. Mặc dù cấm các tổ chức và nhân viên y tế, nhưng quy định không hạn chế cá nhân sử dụng dịch vụ đẻ thuê hoặc áp đặt các ràng buộc pháp lý đối với người mang thai hộ.
Ngoài ra, Biện pháp hành chính về Công nghệ hỗ trợ sinh sản chỉ là quy định cấp bộ, không phải là luật do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và Ủy ban thường vụ ban hành, cũng không phải là quy định hành chính do Quốc vụ viện ban hành. Do đó, quy định này thuộc cấp thấp hơn trong hệ thống pháp luật Trung Quốc và thiếu tính răn đe.
Các chuyên gia trong ngành cho biết, ngay cả khi các cơ sở ngầm cung cấp dịch vụ đẻ thuê bị phát hiện, họ chỉ có thể đối mặt với các hình phạt như thu hồi giấy phép hoặc phạt tiền, điều này không đáng kể so với lợi nhuận khổng lồ mà họ kiếm được.
Khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc sửa đổi Luật Dân số và Kế hoạch hóa gia đình vào tháng 12/2015, điều khoản liên quan đến lệnh cấm đẻ thuê cũng bị loại bỏ.
Vì vậy, việc quản lý đẻ thuê ở Trung Quốc rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan, khi pháp luật không cấm nhưng chính phủ cũng không cho phép.
Nguyên tắc pháp lý "mọi thứ không bị cấm đều được phép", cùng nhu cầu từ các gia đình không thể hoặc không muốn tự sinh con, khiến dịch vụ đẻ thuê ngày càng phổ biến ở Trung Quốc.
Sau khi Trung Quốc nới lỏng chính sách một con vào năm 2014, cho phép các cặp đôi có hai con, nhu cầu đẻ thuê tăng vọt, dẫn đến sự phát triển của một mạng lưới bất hợp pháp liên kết giữa các bệnh viện và các cơ sở cung cấp dịch vụ. Mặc dù có nhiều cuộc kiểm tra và hành động quản lý, ngành công nghiệp đẻ thuê vẫn tồn tại và phát triển, với các giao dịch bất hợp pháp diễn ra tràn lan.
Một số bệnh viện ở Thanh Đảo có liên quan đến ngành công nghiệp đẻ thuê trái phép, bao gồm Bệnh viện Phụ nữ và Trẻ em Thanh Đảo. (Ảnh: Liên hợp tảo báo)
Thượng quan Công lý phát hiện sau nhiều năm “truy quét nghiêm ngặt”, tình hình ở các tỉnh từng là trung tâm đẻ thuê như Quảng Đông, Hồ Nam, Hồ Bắc, Giang Tô và Chiết Giang có dấu hiệu nóng trở lại, thậm chí có xu hướng lan sang các tỉnh sâu trong đất liền như Vân Nam và Tứ Xuyên.
Ông cũng chỉ ra rằng việc thị trường đẻ thuê phát triển còn cho thấy khâu quản lý ở các đơn vị công tồn tại nhiều vấn đề. Ông nói: “Ví dụ, tồn tại việc mua bán giấy khai sinh và hành nghề trái phép của bác sĩ. Ngoài ra, nhiều bác sĩ gây mê mang theo thuốc mê riêng. Những loại thuốc này đến từ đâu? Liệu có lỗ hổng trong việc quản lý thuốc không?”.
Vấn đề đạo đức
Những người trong ngành cho biết mỗi "đơn" đẻ thuê có thể mang lại lợi nhuận từ 30% - 60%. Sự bùng nổ của ngành công nghiệp ngầm này chắc chắn do lợi nhuận lớn, nhưng nhu cầu lớn chưa được đáp ứng cũng là nguyên nhân.
Theo Báo cáo tình trạng vô sinh do Ủy ban y tế và kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc công bố, tỷ lệ vô sinh của nước này là khoảng 18,2% vào năm 2023, ảnh hưởng đến hơn 50 triệu người, tăng so với mức 16% vào năm 2018.
Đối với 50 triệu người mong muốn có con nhưng không thể mang thai tự nhiên, hiện không có kênh hợp pháp nào ở Trung Quốc giúp họ thực hiện ước mơ sinh con. Do đó, bất chấp nhiều rủi ro, tìm đến cơ sở đẻ thuê ngầm vẫn là lựa chọn khả thi dành cho họ.
Nhu cầu mang thai hộ tăng vọt trong khi chính phủ Trung Quốc đau đầu giải quyết vấn đề tỷ lệ sinh thấp. (Ảnh: Reuters)
Trong khi đó, có ý kiến phản đối cho rằng kinh doanh đẻ thuê biến việc sinh con thành công cụ, coi cơ thể phụ nữ như máy đẻ và quyền sinh sản như món hàng, chà đạp nghiêm trọng đến quyền và phẩm giá của phụ nữ.
Hơn nữa, những người hiến trứng và mang thai hộ thường là phụ nữ thuộc tầng lớp yếu thế trong xã hội. Sự phổ biến của đẻ thuê gây tổn hại chủ yếu cho những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và thu nhập thấp, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng giới trong xã hội.
Trung Quốc đang đau đầu tìm cách giải quyết vấn đề “do dự hoặc không muốn sinh con” để đảo ngược xu hướng tỷ lệ sinh thấp. Nhưng một khi các vấn đề nêu trên chưa được giải quyết triệt để, chính phủ nhiều khả năng vẫn e ngại trong việc hợp pháp hóa đẻ thuê.
Điều chắc chắn là trong vùng xám nơi “luật pháp không cấm, nhưng chính phủ không cho phép”, ngành công nghiệp đẻ thuê ở Trung Quốc sẽ tiếp tục tồn tại, trong khi những khó khăn pháp lý và đạo đức mà chính quyền phải đối mặt có thể ngày càng khó khăn hơn.
Hoa Vũ (Nguồn: Liên hợp tảo báo) " alt=""/>
Mặt tối của ngành công nghiệp đẻ thuê ở Trung Quốc
Tin HOT Nhà Cái