"Các bạn trẻ giờ rất dễ bị cảm xúc bên ngoài chi phối, làm ảnh hưởng đến bản thân. Nhiều Gen Z cứ động tí không vừa ý là nghỉ việc, đi chữa lành này nọ. Thêm ít tuổi nữa thì các bạn định nhảy đi đâu? Lúc đấy còn công ty nào nhận nữa? Rồi làm đến đâu tiêu hết đến đấy thì nhỡ có việc gấp sẽ lấy tiền đâu ra để chi trả? Rồi khi có gia đình, các bạn lấy tiền đâu ra để nuôi con ăn học, mua nhà cửa...?".Đó là chia sẻ của độc giả Bảo Minhvề những người trẻ sống 'trôi dạt' theo cảm xúc. Người trẻ đang theo đuổi lối sống hiện sinh - tức chỉ ưu tiên hiện tại, sống cho hiện tại. Họ cũng nảy sinh suy nghĩ dù có cố gắng, tích lũy cũng không đạt được ước mơ, kỳ vọng của người khác đặt lên mình. Họ mong muốn tìm nơi làm việc có "sếp dễ tính, đồng nghiệp dễ thương, khách hàng phải dễ chịu, chế độ dễ thở thay vì lương cao", trong khi bản thân không muốn thích nghi.
Cho rằng lối sống trên là một sai lầm, bạn đọc Hainamtruongnhận định: "Rồi lúc bản thân ốm đau hoặc cha mẹ đi viện cần tiền, thậm chí là rất nhiều tiền, các bạn trẻ sẽ thấm. Rồi lúc sinh và nuôi con mà có ít sự lựa chọn từ việc sinh đẻ, ăn uống, tới học hành vì thiếu tiền, các bạn mới hiểu sai lầm của mình, nhưng lúc đó cũng đã quá muộn rồi. Các bạn trẻ giờ rất giỏi, năng động, tự tin, nhưng cũng quá dư thừa cảm xúc và có gì đó cá nhân, ngây thơ".
Lý giải cho lối sống dựa quá nhiều vào cảm xúc của các bạn trẻ bây giờ, độc giả Louis.tanhận định: "Mấy bạn trẻ này chủ yếu những người đang sống cùng gia đình, không phải lo chuyện ăn ở, không phải lo đóng góp sinh hoạt cho gia đình, không phải lo bệnh tật thuốc thang cho ông bà, không phải nuôi ai, cũng chẳng lo vì tài sản sau này bố mẹ sẽ để lại. Chung quy là họ chỉ cần lo cho riêng bản thân mình, không được thì có bố mẹ lo cho, nên chẳng sợ gì mà không thả trôi theo cảm xúc. Còn mấy bạn trẻ tự lập, có trách nhiệm với gia đình sẽ nghĩ và làm khác".
>> 8X tiết kiệm mua nhà, Gen Z nợ bốn thẻ tín dụng mua SH, iPhone
Trong khi đó, với cái nhìn đồng cảm hơn với suy nghĩ của Gen Z, bạn đọc Victor phản biện: "Thực ra, đây cũng chỉ là vấn đề của cá nhân, không ai có quyền ép một người phải kìm nén cảm xúc cả. Con người chứ không phải cái máy. Có người có thể độc lập làm việc và không cần giao tiếp, có người ngược lại hoàn toàn. Nếu các bạn trẻ cảm thấy môi trường hiện tại không phù hợp do không có đồng nghiệp hợp cạ thì các bạn có thể chuyển đi nơi khác, đó là điều bình thường.
Trong quá trình cọ xát, đưa ra quyết định và chấp nhận kết quả, các bạn sẽ dần hiểu ra được đúng - sai và tự cân bằng. Tôi không khuyến khích hay phản đối, càng không có cái nhìn tiêu cực về các bạn trẻ. Miễn là khi làm việc, các bạn nghiêm túc, cho ra kết quả là được".
"Chuyện tương lai chưa ai biết được, cuộc đời vốn là một chuỗi của những trải nghiệm đúng và sai. Ai cứ theo khuôn mẫu con ngoan, trò giỏi từ nhỏ đến lớn thì cũng chỉ là những con gà công nghiệp thôi, có gì đáng tự hào? Những va vấp mới tạo nên con người trưởng thành và người trẻ nên trải nghiệm, thử nghiệm, rồi trưởng thành.
Có người nói 'khổ trước sướng sau', nhưng tới lúc sướng rồi có đổi lại được thanh xuân không? Có người nói 'phải sống vì gia đình', nhưng gia đình liệu có chắc chắn sẽ vui vẻ, hạnh phúc hơn nếu ở biệt thự, đi xe sang không? Thay vì bắt đầu lo từ 20 tuổi cho mất thanh xuân, người trẻ cứ thoải mái trải nghiệm thêm 10 năm thanh xuân nữa, tới 30 tuổi mới lo cũng đã sao?", độc giả Phiên Vũnói thêm.
Đồng quan điểm, bạn đọc Ducthangkết lại: "Tôi thuộc thế hệ 7X, có bố mẹ già, con nhỏ, kinh tế đủ sống. Tôi không khuyến khích nhưng cũng không phản đối cách sống của các bạn Gen Z. Tôi có quan điểm là đời nào cũng vậy, ai cũng vậy, miễn là tự lo được cho cá nhân mình mà không phụ thuộc người thân, không làm phiền người khác, không làm sai luật pháp... là được. Còn các bạn Gen Z nghĩ gì cứ làm nấy. Theo lẽ tự nhiên, xã hội như thế nào thì người ta phải thay đổi theo để phù hợp. Đừng dạy ai cách sống, cách tiêu tiền của họ, khi họ không động chạm, không làm ảnh hưởng đến ai".
Lê Phạmtổng hợp
" alt=""/>Gen Z ngây thơ đòi hỏi 'sếp dễ tính, đồng nghiệp dễ thương'