- “Sự mách bảo về phương pháp dạy con đúng đắn đến với tôi từ khi còn là một đứa trẻ. Từ năm 11 tuổi, tôi tình cờ có cuốn sách “Làm mẹ”, do một nhà giáo dục học của Liên xô cũ viết. Tôi tự nhủ: “Nuôi con thế này mới đúng cách chứ, ứơc gì bố mẹ cũng nuôi dạy mình như vậy”.Bà Trần Bích Hà, Giám đốc TransViet Group, mẹ của nữ sinh Việt du học từ 9 tuổi Phạm Minh Thu chia sẻ hành trình nuôi dạy con của mình.
|
Bà Trần Bích Hà |
Học dạy con từ thuở còn thơ
- Cơ duyên nào đưa chị đến với những phương pháp dạy con tiên tiến từ hơn 18 năm về trước?
Bà Trần Bích Hà:Từ khi còn rất trẻ, tôi vẫn hoài nghi và không tin tưởng về cái cách nuôi con theo kiểu truyền miệng của các cụ, đặc biệt là phương pháp dạy. Tôi còn nhớ, năm quãng 10 -11 tuổi, tôi thấy rất “bất mãn” với việc bị bố mẹ ép phải làm mọi việc theo ý các cụ, nên tôi chống đối khá dữ dội.
Sau này, tôi may mắn được tiếp cận sớm với nền giáo dục phương Tây nên mỗi ngày lại thai nghén trong mình những tư tưởng dạy con hiện đại. Cùng với sự quan sát thực tế nuôi dạy con ở Việt Nam, tôi càng tâm niệm sẽ dành cho đứa con tương lai một nền giáo dục hoàn toàn tiên tiến.
- Vậy nhưng mãi tới gần 40 tuổi, chị mới làm mẹ. Chị chuẩn bị một chặng đường dài đến thế?
Tôi bị trục trặc hoc-môn nên phải chữa rất nhiều năm. Cho đến gần 40 tuổi, tôi mới có thai. Đến lúc đó, bản thân tôi thực sự muốn có con, chứ không phải bị ép buộc theo ý muốn hay sự giục giã của người khác.
Tôi mua rất nhiều sách, đặc biệt là sách của các tác giả Anh và Mỹ viết về nuôi dạy con. Cả trăm cuốn sách chất trong nhà, tôi đọc hết.
Càng đọc, càng thấy sáng ra nhiều điều, càng thấy cách dạy con cũ của Việt nam có nhiều sai lầm quá. Cái mà tôi chuẩn bị kỹ nhất là làm sao bản thân mình phải hiểu và thoải mái với phương pháp dạy con tiên tiến. Sau đó, là chuẩn bị các bước cụ thể, liệt kê những việc cần làm cho từng ngày, tuần, tháng, trước và ngay sau khi con ra đời, và những năm kế tiếp sau đó.
Hành trình làm mẹ
|
Bà Trần Bích Hà và con gái Minty Phạm |
- Nhiều người nói rằng đi làm có vất vả mấy cũng không bằng ở nhà trông và chơi với trẻ. Vì sao chị lại nghỉ hẳn 2 năm chỉ để tập trung chăm sóc con?
Bởi vì tôi biết rằng, người tiếp xúc, nuôi dưỡng đứa trẻ hằng ngày có vai trò quan trọng tuyệt đối với quá trình hình thành nhân cách, phẩm chất của đứa trẻ, đặc biệt trong 6 năm đầu đời.
Với tâm niệm đó, khi ở trước mắt con, tôi luôn cẩn thận trong từng hành động và câu nói. Mặt khác, tôi luôn cố gắng để mình cảm thấy thoải mái, vui vẻ khi có con bên cạnh, vì hiểu rõ tâm lý của người lớn tác động đến trẻ rất nhiều.
Theo tôi, giáo dục gia đình là nền tảng cơ bản nhất trong việc hình thành đạo đức, khả năng, cá tính, thói quen tốt hoặc xấu trong mỗi con người. Sáu năm đầu tiên của cuộc đời là sáu năm quan trọng nhất trong việc giáo dục một đứa trẻ, và trong 6 năm đó, đặc biệt là 3 năm đầu tiên, đứa trẻ hầu như được nuôi dạy và lớn lên trong gia đình.
Nếu được nuôi dạy khoa học và đúng phương pháp, sau 6 tuổi, đứa trẻ đã có thể có đủ khả năng dùng chính kiến cá nhân phân tích sự đúng sai, phải trái đối với các sự việc xảy ra quanh nó, để quyết định hành động.
Tôi là người không tin nhiều vào yếu tố di truyền, mà tin nhiều hơn vào phương pháp, thời gian và cách thức truyền tải kiến thức cho đứa trẻ.
Minh Thu đã có những năm đầu đời bên cạnh mẹ như thế nào?
Cả căn nhà của tôi biến thành trường mẫu giáo với thư viện, phòng soạn giáo án, phòng ăn, phòng ngủ, phòng chơi. Tôi là hiệu trưởng mầm non, kiêm cô nuôi dậy trẻ, kiêm mẹ bỉm sữa lên chương trình đến từng 15 phút, dịch hàng chục quyển sách ra tiếng Việt để đọc cho con, khi sách thiếu nhi hồi đó còn hiếm.
Tôi tự chế rất nhiều đồ chơi, cùng ăn, cùng chơi, cùng sinh hoạt với con nhiều giờ mỗi ngày. Để thực hiện được triệt để kế hoạch của mình, tôi thay đổi toàn bộ nếp trong gia đình. Giờ giấc sinh hoạt, chế độ ăn uống, bao giờ được xem TV, thậm chí quan niệm về lẽ công bằng, khi nào thì người lớn tuổi nhất trong nhà vẫn phải xin lỗi hay cám ơn – tất tật được sắp đặt để tạo ra môi trường vừa là nhà, vừa là trường thuận lợi nhất cho con gái.
Tôi nói chuyện và đọc sách rất nhiều cho con nghe, ngay từ ngày đầu tiên khi bé ra đời. Khi có bé ở cùng phòng, làm bất cứ việc gì, tôi đều mô tả cho bé nghe một cách rõ ràng, mạnh lạc, giúp bé phát triển khả năng nghe hiểu, đồng thời làm quen với logic suy nghĩ về nguyên nhân và hậu qủa. Tôi không ép bé làm bất cứ cái gì, nhưng bằng hành động của mình, và bằng cách “bày trò” để chơi, nhảy múa, hát, đóng kịch cùng bé – tôi dạy cho bé hầu như mọi kiến thức và kỹ năng phù hợp với lứa tuổi.
- Bị “điều chỉnh”, mọi người xung quanh chị hẳn cũng phản ứng?
Cách đây hơn 18 năm, ở Việt nam, mọi người vẫn có tư tưởng: “Cha mẹ sinh con, trời sinh tính”. Vì vậy, việc tôi mua hàng đống sách từ nước ngoài về, đọc, rồi bắt chước nuôi con theo sách, cũng gây nên rất nhiều điều tiếng. Trong gia đình, nhiều người phản ứng ra mặt. Nhưng tính tôi vốn bướng bỉnh, lại rất quyết đoán. Vì vậy, ai nói gì thì nói, tôi kệ - vì tôi tin là mình làm đúng, làm một cách có cơ sở. Mọi người nói mãi mà thấy không tác động gì được đến tôi, nên dần dần cũng thôi. Việc tôi quyết định cho Thu đi du học từ lúc chưa tròn 9 tuổi, theo ý muốn của chính con – cũng đã gây rất nhiều tranh cãi trong nhà.
- Vì sao chị có thể dũng cảm để con gái còn nhỏ như vậy đi học ở nước ngoài?
Tôi nuôi Thu một cách có cơ sở khoa học, dựa trên rất nhiều sách do các nhà giáo dục có kinh nghiệm của các nước tiên tiến viết. Theo dõi sự phát triển của con, đến năm Thu quãng độ 5 – 6 tuổi, tôi thấy con gái đã rất tự lập. Con tự làm mọi việc liên quan đến bản thân.Việc đi du học sớm là do con gái tự lựa chọn và đề nghị. Tôi không có bất cứ lý lẽ gì để phản bác, nên phải đồng ý.
- Khi Minh Thu đi du học, chị làm thế nào để vẫn tiếp tục dạy con từ xa?
Tôi là người bạn thân thiết nhất của con gái, và con gái hết sức tin tưởng mẹ. Mẹ con có thể kể cho nhau nghe mọi chuyện, tâm sự với nhau mọi suy nghĩ. Mặt khá tích cực của việc phải xa nhà sớm, là làm cho con gái tôi nhận thức rõ: gia đình là nơi gắn bó và thân thiết nhất, không gì có thể thay thế. Hàng tuần, hai mẹ con nói chuyện với nhau nhiều giờ.
Mỗi đợt con gái về nhà, tôi đều sắp xếp thời gian để ở nhà trọn ngày bên con. Tôi vẫn tiếp tục tham gia vào mọi hoạt động của con, nắm tình hình rất sát, để có thể đưa ra lời khuyên đúng lúc, hoặc can thiệp kịp thời khi con cần.
Nghề làm cha mẹ
|
Dù đã sắp chạm ngưỡng 60 tuổi, bà Trần Bích Hà vẫn có một sức khỏe khiến nhiều người mơ ước và bà thường xuyên trải nghiệm du lịch ở nhiều nước trên thế giới |
- Hành trình chuẩn bị và nuôi con của chị thật chẳng đơn giản chút nào, mà sao chị lại lấy tên sách là "Nuôi con đôi khi thật đơn giản"?
Thực ra, cái gì khi viết ra cho rành mạch, người ta sẽ có xu hướng thấy rất phức tạp. Nhưng khi đã hiểu và thấm thì sẽ trở nên đơn giản hơn rất nhiều.
Tôi mất 7 tháng để đọc sách về nuôi dạy con, cứ cho là mỗi ngày trung bình quãng 3 tiếng. Để học lý thuyết một nghề mới -“Nghề Làm Cha Mẹ – nghề quan trọng bậc nhất với xã hội – thì thời gian như vậy là quá ít trong sự so sánh tương quan với các nghề khác.
Khi thực hành, tôi mất 6 năm đầu phải rất chú ý để khớp được lý thuyết với thực hành, tôi đã có một “sản phẩm” tương đối hoàn chỉnh và tốt hơn mục những giá trị đặt ra ban đầu. Khi con 4 tuổi, tôi chỉ bố trí thời gian cùng chơi với con 30-60 phút/ngày. Khi con đi du học, con về thì tôi chỉ ở bên con được 3-4 tiếng/ngày.
- Nếu so với các nghề phức tạp khác – thì học và thực hành “Nghề Làm Cha Mẹ” đơn giản hơn nhiều. Vậy cái gì làm cho nó phức tạp?
Theo tôi: tâm lý truyền đời qua nhiều thế hệ ở Việt nam “cha mẹ sinh con, trời sinh tính”, đẻ ra khác biết nuôi, mỗi đứa mỗi khác, vì vậy con họ thành công là do “số” họ may, mình có học cũng không được.
Là vì không ai bắt buộc mình học cái nghề đó, cũng không có nhu cấu cấp thiết là phải học xong thì mới được đẻ, mà nghề đó đâu giúp mình “kiếm cơm”. Vậy thì sao phải mất công học? Ngại đọc, ngại học cái mới cũng góp phần cản trở cái sự học nghề này.
Nếu học và làm tốt “Nghề Làm Cha Mẹ”, nó dài lắm. Kết quả đến sau 18 năm, thậm chí 25 năm. Trong chừng ấy năm trời đằng đẵng, có thể phải chịu đựng biết bao “lời ong tiếng ve”, bao cái lườm nguýt, cái dằn vặt cấm cẳn của người thân và cả không thân. Chưa kể, mâu thuẫn về quan điểm trong việc nuôi dạy con là nguyên nhân hàng đầu của cái sự vợ chồng cãi nhau, kể cả ly tán.
Với nghề gì cũng vậy, việc học và làm sẽ rất đơn giản nếu ta thấm nhuần và tin tưởng, nếu ta yêu thích và thấy đời có ý nghĩa khi làm nghề đó – và đặc biệt là khi ta được chuẩn bị tốt về tâm lý, sức khỏe, tài chính hợp lý trong khả năng – để làm nghề đó trong vòng 18 năm – sau đó ta sẽ đủ thạo nghề để lại thành thầy, truyền lại cho con dạy cháu.
- Là một doanh nhân thành đạt, bận rộn và thường xuyên đi đây đi đó, nhưng tôi thấy chị vẫn là một bà mẹ kết nối, truyền cảm hứng cho mọi người từ việc quản lý, nuôi dạy con đến chăm sóc sức khỏe. Động lực nào giúp chị có đủ thời gian và sức khỏe cho tất cả những việc này?
Ở bất cứ vị trí làm việc hoặc nơi nào tôi sống, tôi đều có mong ước được người khác chia sẻ kinh nghiệm, và chính mình chia sẻ những điều tốt cho mọi người. Tôi bị ảnh hưởng sâu sắc bởi nền giáo dục của 2 nước Anh và Mỹ.
Tôi nhận thấy nhiều người châu Âu luôn có mong muốn chia sẻ, để ai chưa có kinh nghiệm có thể học hỏi và tham khảo. Người Việt có cái dở là hay bị tâm lý “thủ thế”, thậm chí ích kỷ, biết điều gì thì giữ thật kín, chỉ sợ người khác biết rồi bằng mình. Những gì tốt liên quan đến việc giáo dục trẻ con, và sức khỏe của cá nhân cũng như cộng đồng, thì nên được chia sẻ càng nhiều càng tốt, giữ làm “bảo bối”, nó cứ hơi “sao sao” ấy, nếu không nói là hơi ích kỷ.
Từ khi con gái còn bé, tôi luôn khuyến khích và động viên con hãy chia sẻ, yêu thương và giúp đỡ những ai kém may mắn hơn mình. Tôi rất mừng là những bài học đó thấm rất sâu vào tâm hồn con. Bằng cách chia sẻ, cuộc sống sẽ phong phú và đa dạng hơn, con người sẽ cảm thấy hài lòng với bản thân và vì thế - thấy hạnh phúc hơn.
Xin cảm ơn chị!
">