Chia sẻ về động thái mở các siêu thị điện máy rầm rộ và chi trăm tỷ cho quảng cáo của "tân binh" Điện Máy Xanh, đại diện CTCP Thế giới số Trần Anh cho rằng: “Một doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường điện máy bỏ ra chi phí lớn hơn so với các doanh nghiệp lâu năm khác để quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng là điều hoàn toàn dễ hiểu”.
Mới đây, theo chia sẻ của CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG), quy mô thị trường điện máy Việt Nam lên đến 70.000 tỷ đồng.
Trong đó, Điện máy Xanh đang chiếm 14% thị phần. Các chuỗi khác chiếm 46% thị phần, và các cửa hàng nhỏ lẻ chiếm 40%.
Một tân binh trên thị trường điện máy là Điện máy Xanh đã mở mới tới 83 cửa hàng chỉ trong năm 2016, đồng thời đang rót trăm tỷ đồng vào quảng cáo để tăng cường tính nhận diện thương hiêu. Ông có lo ngại về điều này?
Ông Ngô Thành Đạt - Giám đốc Marketing Trần Anh:Tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng, chiến lược marketing của mỗi doanh nghiệp sẽ phụ thuộc rất lớn vào điều kiện thực tế trong từng giai đoạn cụ thể của doanh nghiệp đó. Tùy vào từng thời điểm mà chi phí marketing sẽ được phân bổ như thế nào cho hợp lý.
Thực tế, Điện máy Xanh là doanh nghiệp mới tham gia vào thị trường điện máy, cho nên việc họ bỏ ra chi phí lớn hơn so với các doanh nghiệp lâu năm khác để quảng bá thương hiệu đến người tiêu dùng là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Còn với những doanh nghiệp điện máy lâu năm như Trần Anh hay Nguyễn Kim, chúng tôi cũng đã từng trải qua giai đoạn phải làm công tác PR, marketing giống như Điện Máy Xanh bây giờ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, khi đã có chỗ đứng trên thị trường, thì công tác quảng bá của Trần Anh sẽ đi theo một hướng khác. Không phải là quảng bá để khách hàng biết đến nữa, mà tập trung làm sao để khách hàng yêu mến, tin tưởng và quay lại mua hàng mỗi khi có nhu cầu mua sắm các sản phẩm điện máy.
Theo khảo sát của Trần Anh, người tiêu dùng rất thích mua hàng được khuyến mại trừ thẳng vào giá bán. Chính vì vậy, một trong những chi phí rất lớn trong marketing của Trần Anh được đầu tư trực tiếp vào giảm giá, tặng quà cho khách hàng với mong muốn khách hàng của Trần Anh luôn là người được hưởng lợi nhiều nhất
Nếu không chạy đua được về độ phủ và các hoạt động marketing tương tự, liệu các công ty lâu năm như Trần Anh mất thị phần về tay đối thủ như Điện máy Xanh - dù chỉ là "tân binh" nhưng lại chịu chi và tăng tốc rất nhanh trên thị trường điện máy?
Hiện tại, thị trường điện máy đang bắt đầu bước vào giai đoạn “chín” khi mà mỗi công ty đang lựa chọn những phong cách riêng trong lòng khách hàng.
Trong khi Điện máy Xanh theo đuổi mô hình cửa hàng tiện lợi, Nguyễn Kim là mô hình Shop in shop trong các siêu thị BigC, thì Trần Anh đang lựa chọn mô hình đại siêu thị với các tiện ích đi kèm như bãi đỗ xe rộng, khu vui chơi trẻ em và phong cách Nhật Bản.
Trần Anh tôn trọng cách đi của Điện máy Xanh, nhưng chúng tôi có lựa chọn và hướng đi của riêng mình. Chỉ những công ty không có chiến lược và phong cách rõ ràng, mọi thứ cứ na ná giống đối thủ thì mới phải lo ngại sẽ bị chìm trong tâm trí khách hàng.
Trần Anh có kế hoạch gì để chạy đua cùng các đối thủ cạnh tranh cả cũ lẫn mới trên thị trường này trong năm nay và trong dài hạn?
Trần Anh không chạy đua với ai mà chạy đua với chính mình. Mục tiêu của chúng tôi đặt ra với chính bản thân mình đó là “Hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua”.
Theo một công bố mới đây, Điện máy Xanh đang dẫn đầu thị trường điện máy với 14% thị phần. Vậy Trần Anh chiếm bao nhiêu % thị phần trong thị trường này?
Theo tôi được biết, trong 14% thị phần của Điện máy Xanh thì có đến hơn 50% là đến từ mảng điện thoại di động. Do phần nhiều trong đó là doanh thu từ các shop Thế giới Di động được chuyển đổi sang thành Điện máy Xanh nên có thể thị phần thực sự của họ trong mảng điện máy chỉ chiếm khoảng 7%.
Cuộc đua vẫn chưa đến hồi kết và chúng ta sẽ tiếp tục được chứng kiến một cuộc đua đầy gay cấn và hấp dẫn trong thời gian sắp tới.
Xin cảm ơn ông!
">